Tết cũ là gì nhỉ?! Là năm ngoái, là năm kia, là mười năm trước hay là ba mươi năm trước nữa?! Ký ức luôn có kiểu đếm thời gian riêng của nó. Tuỳ tạng tính của từng người, tuỳ sâu sắc của từng hoài niệm.
Mơ hồ trong màn mưa Xuân phùn mịn, thấp thoáng bóng hình của người tình cũ nào đó đã sang sông. Vì mùa Xuân là mùa cưới, nó thường làm nỗi nhớ nhưng nhức nảy lộc đâm chồi. Nhất là khi vài cơn gió se lạnh luẩn quẩn quanh một hàng rong cô đơn bán đào nở sớm đi ngang qua phố cũ, bỗng sâu sa góc lòng, chợt ngào ngạt toả về những mùi xa xưa của Tết.
Cái mùi đậm nhất ấy có lẽ là mùi pháo. Việc cấm đốt pháo là đúng rồi, bởi không kể những chuyện thương tâm hao người tốn của thì ngay cả cái mùi của các băng pháo hoặc nhập lậu hoặc làm kiểu mới, cũng là thứ cực kỳ khó chịu. Nó khét lẹt một mùi hung hăng bạo lực của thuốc nổ chuyên dụng. Nó làm góc bánh chưng xanh, khoanh giò lụa lỗ chỗ màu hồng nhạt trở thành xấu xí xám xịt. Mùi khói pháo của ngày Nguyên đán thanh thản xa xưa lâng lâng thơm lắm. Theo lời của vài nghệ nhân già của làng pháo cũ kĩ Bình Đà thì kể cả pháo “đùng” ( một loại pháo to, thường không để theo bánh, đốt riêng từng quả) cũng chỉ cuốn tay bằng giấy hồng điều rồi nhồi một lượng than xoan cộng vài phụ gia vừa đủ. Khói pháo luôn nồng đượm thơm sạch, tiếng pháo thường nổ to vừa phải, đủ toả hương có màu lam nhạt nương theo mưa phùn chầm chậm nhẹ loang. Bọn trẻ con đốt những loại pháp tép thì chỉ cần bịt tai, nhỡ có nổ trên tay cũng chỉ rùng mình. Làm gì có thứ pháo nào đốt từ đầu phố thì giữa phố long cửa nứt tường, cuồng bạo tới mức làm người khác què chân mù mắt. Ở cái thời mà mọi lời yêu chỉ là dịu dàng khe khẽ, thì những cặp rụt rè mới yêu nhau rất thích đi chơi Tết xem đốt pháo. Đặc biệt là mấy thiếu nữ tính tình ngấm ngầm nồng nhiệt, nhưng trót vớ phải một chàng trai quá hiền. Quen nhau đã gần năm, vậy mà đêm Giao thừa lạnh ngào lạnh, lúc chỉ riêng hai đứa đi quanh Bờ Hồ thì chàng vẫn chỉ dám cầm tay. Bỗng tít vỉa hè bên kia có đám trẻ đốt quả pháo tép. Nàng nhanh trí nghiêng người tựa vào chàng, vừa ti hí mắt vừa choàng tay quanh cổ chàng, môi rung rung “em sợ…ợ…”. Chàng trai bàng hoàng hạnh phúc, thăng hoa lơ mơ hít hương pháo, cứ thế nửa say nửa tỉnh trượt thẳng vào hôn nhân. He he…
Mùi Tết cũ còn đậm đặc đọng ở mùi tóc, nó nồng nàn vượt thoát thường nhật, giăng giăng khắp mọi ngõ phố. Không giống như dung tục bây giờ, mùi tóc ngày nào cũng ngầy ngậy xa xỉ giống như ngày nào, bởi nhan nhản thừa mứa đủ mọi loại dầu gội đầu hàng hiệu. Những ngày thường hồi còn thiếu thốn bao cấp, hầu hết đầu ai cũng nhiều gầu. Đầu ai cũng nồng nồng gây gây rất dễ chịu của một mùi chăm chỉ lao động. Cái mùi của vất vả kém tắm trong trắng tần tảo, rất đặc trưng ở những khu nhà máy hay xí nghiệp có đông công nhân nữ. Thế rồi Tết đến, cả thành phố lại sực nức mùi hương, bay ra từ những lãng mạn mái tóc. Thôi thì không tính đến mùi hương nhu, mùi bồ kết mùi lá mùi già, mùi vỏ bưởi khô mà không biết bao nhiêu thiếu phụ làm thơ của ngày hôm nay cứ đợi Xuân về là đem ra kể lể là mẹ mình đã gội như thế nào, còn các cô các dì mình đã hong tóc như thế nào. Bởi vô số đàn ông bình thường của thời đó, hương tóc ám ảnh đáng nhớ nhất chỉ đơn giản là mùi của xà phòng Hoa Nhài. Đấy là bánh xà phòng nội, nho nhỏ màu hồng nhạt, ngài bọc giấy bìa lem nhem in chữ “xà phòng thơm”. Đương nhiên là dùng cho cả đàn ông lẫn đàn bà. Tất nhiên, đầu đàn ông gội bằng gì chẳng được. Bởi có quá nhiều thằng ( kể cả dân chơi) gôị đầu bằng xà phòng giặt. Đại loại là bánh 72% thô kệch vàng khè, hàng viện trợ từ ” đại ca” Liên Xô. Bánh “Hoa Nhài” có mùi thơm khó lẫn, rất sâu, rất lâu. Phố xá vốn thưa người, tuyệt hiếm mùi khói ô tô xe máy, nên chỉ cần hai nàng đèo nhau bằng xe đạp Thống Nhất chầm chậm đi ngang thì cả phố coi như điếc mũi. Chính vì vậy mà ở những buổi bình bầu lao động tiên tiến cuối năm, tay đàn ông nào đang chới với yêu, may mắn trúng được suất mua bánh xà phòng thơm thượng thặng ấy thì ngày cưới xem như đã định. Hầu như chẳng có một quý cô đoan trang hiền thục nào của thời bao cấp trong veo, lại không liêu xiêu trước một món quà cầu hôn tầm cỡ “khủng” như thế.
Nguyễn Việt Hà